Yoga ư, đơn giản lắm – Tất cả bắt đầu từ một chữ y…êu!
Yoga là phương pháp tập luyện đòi hỏi sự kết hợp cao độ của tinh thần và thể xác tại cùng một thời điểm. Các động tác yoga luôn tác động tới mọi góc khuất của cơ thể, không bỏ sót bất cứ phần cơ nào khiến cơ luôn được vận động, tái tạo. Yoga thông qua việc điều chỉnh khí của cơ thể đòi hỏi người tập phải thực sự tĩnh tâm, nhập tâm vào từng động tác, kiểm soát hơi thở và giữ thân hình ở nguyên một tư thế, qua đó làm chủ và điều khiển được sự dẻo dai của cơ thể. Chính sự chú tâm vào việc điều khiển hơi thở, đưa cơ thể vào trạng thái thiền trong các asana (các tư thế yoga) sẽ khiến cơ thể được thăng hoa, nâng cao năng lực của trí tuệ, từ đó sống khỏe mạnh, an hòa và thư thái hơn.
Hấp lực nào của yoga khiến người già cho đến người trẻ, từ đàn ông cho đến đàn bà, người béo cũng như người gầy, người khỏe mạnh cũng như ốm yếu đều tìm đến, hứng khởi, say mê? Khi đã yêu, đã si mê và có những giây phút thăng hoa cùng yoga mỗi ngày, theo năm tháng, tôi đã có lời giải đáp cho chính mình. Sự kỳ diệu của yoga chính là thông qua việc luyện tập của thể xác để khai tâm, giúp con người giác ngộ bản thân, loại bỏ những thói xấu và hoàn thiện mình hơn. Yoga không phải là một môn thể dục đơn thuần. Người ta tìm đến yoga để luyện tập cho mình một hình thể khỏe mạnh, dẻo dai và tâm hồn thư thái, trí tuệ mẫn tiệp; để tìm thấy một thế giới đầy cảm xúc và sự tĩnh lặng trong tâm hồn. Và khi lắng nghe, cảm nhận được cơ thể mình, cảm nhận dòng chảy yoga chạm đến từng tế bào, toát ra trong mỗi hơi thở, mơn man trên thịt da… là ta đang chạm ngưỡng của sự thăng hoa, đầy rung cảm và khoan khoái với những giá trị mà yoga trao tặng.
Trải nghiệm tình yêu qua những “nỗi đau”
Những ai đã song hành cùng yoga nhiều năm tháng, chắc hẳn đã nếm trải rất nhiều những cái đau của thân (xác), cảm nhận được những nỗi đau và “đi tìm những nỗi đau mới” như người thầy dạy yoga của tôi thường nói vui như vậy.
Tập yoga không thể hời hợt ỷ lại vào cơ thể để chinh phục các động tác. Yoga là hơi thở, yoga là nội lực. Đến với yoga là tìm đến sự tĩnh tại và thăng hoa tuyệt đối trong tâm. Có lẽ với những con người càng nếm trải nhiều nỗi đau, lại càng tìm thấy sự thăng hoa trong tình yêu với yoga. Yoga cũng đưa con người đến với những “nỗi đau”, nhưng đó không phải là đau khổ, mà là cái đau dễ chịu, đau khiến người ta khoan khoái, cái đau muốn được đón nhận khiến ta nhẹ bẫng, như muốn được bay lên.
“Chị đến với yoga trong tâm thế của một người bệnh. Chị tập yoga trong nước mắt. Nhưng chị đã xác định một là phải sống cho lành lặn, không ảnh hưởng đến người khác; hai là lựa chọn cái chết chứ nhất định không chịu một trạng thái bán thân bất toại phải có sự hỗ trợ của rất nhiều người xung quanh. Sau khoảng thời gian kiên trì làm quen với “bạn ấy” (yoga), chị cảm thấy “bạn ấy” chắc hiểu sự quyết tâm và nỗ lực của chị nên đã tương tác với chị, có thể là nhanh hơn so với những gì chị mong muốn. Cho đến ngày chị không còn thấy những cơn đau của bệnh tật hành hạ nữa. Chắc là “bạn ấy” hiểu được tình yêu và mọi nỗ lực của chị, “bạn ấy” cũng “yêu” lại chị và như muốn đền đáp và bù đắp cho mình nên chị đã nhận được những giá trị đích thực yoga mang lại cho cơ thể mình, cho tinh thần mình. Không những thế, bạn ấy còn là định nghiệp, mang đến cho chị một sự nghiệp mới để lúc nào cũng được song hành cùng “bạn ấy”. Có lẽ vì định nghiệp nên “bọn chị” như biết nhau từ kiếp trước, như song hành cùng nhau rất lâu rồi cho nên giờ quay trở lại “bắt sóng” nhau rất nhanh. Như tìm về ký ức xưa, giống như vừa gặp một người lạ mà như tự, như quen, như thân từ thuở bao giờ, để có thể thăng hoa, giãi bày những nỗi niềm cảm xúc và cháy hết mình cùng “bạn ấy”, cô giáo yoga tài năng và duyên dáng của tôi đã trải lòng về tình yêu yoga mãnh liệt của mình như vậy. Chợt nhận thấy cuộc sống như vậy là quá đủ, quá hạnh phúc với ai đó đã tìm cho mình được một chữ yêu!
Điều đó cũng lý giải quan điểm tại sao không nên để cho trẻ con tập yoga quá sớm. Giống như là tình yêu vậy. Đến tuổi mới có thể hiểu, mới cảm nhận đủ đầy và trân trọng tình yêu để yêu sâu sắc đến thế, chân thành đến thế. Nếu chưa có nhiều những trải nghiệm về mặt cảm xúc, chưa có độ đằm sâu, chưa trải qua những hỉ nộ ái ố, chưa nếm trải những nỗi đau trong cuộc sống, chưa thể cảm nhận hết những giá trị đủ đầy của yoga đem đến cho bản thân.
Yêu cũng có những ranh giới nhất định
Cùng là yêu nhưng mỗi người sẽ yêu một cách khác nhau. Mọi thứ đều vừa đủ sẽ hài hòa. Nếu vượt quá giới hạn, tình yêu sẽ “quay lưng”. Bản thân mỗi người hơn ai hết phải hiểu, phải nhận biết được cơ thể mình ở mức độ nào. Độ tuổi nào có thể phát huy tối đa khả năng luyện tập; độ tuổi nào thì cần tập ở một chừng mức nhất định. Cấu trúc cơ thể, cơ địa như thế nào thì ta tập theo như thế. Dẻo đủ dùng, mở đủ dùng.
Tập yoga phải tìm được trọng tâm, phải đạt được độ chính xác về kỹ thuật. Khi tập yoga không phải điểm nào trên cơ thể cũng trở nên gồng cứng. Trọng tâm của yoga là những điểm chạm để chịu lực. Vậy tập trung vào điểm chạm thế nào để phát huy được tối đa động tác, để có thể bay bổng và thăng hoa? Đặt điểm tì chịu lực, lập tức những phần khác trên cơ thể đang được diễn giải theo cách mở – mở, lỏng – mềm, lỏng – mềm; căng tối đa nhưng lại thư giãn tối đa. Những điểm không chạm là những nơi không chịu lực được phát huy trong trạng thái kéo giãn nhưng phải đạt đến sự thư giãn của sự kéo giãn chứ không phải kéo giãn trong sự gồng cứng. Đạt được điều đó, mỗi một người tập phải tự cảm nhận, rút ra, nhận biết. Ngày nào cảm thấy không toàn tâm toàn ý được cho việc luyện tập yoga, chỉ nên tập trong chừng mực giới hạn cơ thể cho phép. Ngày nào cảm thấy có thể gạt bỏ được tất cả mọi điều trong cuộc sống, chỉ còn lại mình với yoga – hãy phát huy tối đa mọi khả năng có thể, bạn nhé!
Yoga – Thiền trong các asana
Thiền trong Phật học cũng như thiền trong yoga là làm cho cái tâm trở về một trạng thái: Yên. Tâm vốn dĩ đã quá nhiều vọng động. Vậy làm sao để được yên? Đức Phật từng nói: Muốn điều cái tâm thì phải điều cái thân trước. Không thể nào cứ bảo cái tâm đừng nghĩ mà dừng nghĩ ngay được. Tập yoga chính là thiền trong các asana. Bằng cách tập trung vào động tác khiến tâm trí phải hướng về động tác đó, điều tức động tác bằng hơi thở và đạt được đến sự tĩnh tại trong từng động tác – thiền trong từng động tác, đó mới đích thực là yoga. Có thể nói yoga là một dạng thiền động là thế nếu chúng ta tập nó với toàn tâm, toàn ý và toàn thân.
Yoga và bí quyết cất giấu nội lực
Yoga khác các môn thể thao khác, không chỉ đem đến những giây phút thư giãn sảng khoái, mang lại sức mạnh cơ bắp mà còn mang đến cho ta nội lực. Yoga tạo nên nội lực của mỗi người trong sự tĩnh lặng và kín đáo.
Nếu ngấm sâu triết lý đạo Phật, khi tìm đến với yoga sẽ tìm thấy những điểm đồng nhất rất tuyệt vời. Trong Phật giáo và trong triết lý của yoga thì những gì tốt đẹp nhất là những thứ lặng sâu trong cơ thể của mình. Muốn giữ những điều đó thì mình phải cất nó đi, giống như cất giữ của quý trong nhà không phô trương ra bên ngoài vậy. Đó là lý do tại sao những yogi (người tập yoga) thực sự không mấy khi khoe khoang hay ồn ào lộng ngôn về “của cải” mình đang có, đang sở hữu. Bởi hơn ai hết, những yogi đó hiểu rằng nội lực yoga nằm lặng sâu trong hơi thở, trong tâm hồn, là của riêng mình; chỉ mình mới biết, mới cảm nhận được nội lực ấy đang lớn lên, lớn dần theo năm tháng. Nếu ai đó hỏi tôi: Vì sao có thể kiên trì tập yoga đến thế? Câu trả lời đơn giản lắm. Tại vì khi yêu ai đó, khi cần ai đó như hơi thở, ta sẽ thấy chưa bao giờ cần phải “kiên trì” mà mãi sẽ là duy trì mà thôi. Có một câu nói trong yoga: “Ngôn từ không thể lột hết các giá trị của yoga – Để hiểu nó, bạn phải tự mình cảm nhận”. Hãy tự cảm nhận các giá trị của yoga bằng chính cơ thể mình, với tất cả trái tim mình, bạn nhé!
Mai Linh