Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, bên cạnh những ưu điểm và lợi thế nổi bật đó thì cũng còn những rủi ro tiềm ẩn nếu như không lựa chọn đúng người thực hiện kỹ thuật có trình độ, tay nghề và giàu kinh nghiệm.
Vai trò của chất làm đầy với lão hóa da
Hiện tượng lão hóa trên da mặt diễn ra dần dần mỗi ngày, theo thời gian với sự mỏng đi của làn da và suy giảm tính săn chắc, đàn hồi… Đó là do sự thất thoát và hủy hoại của collagen, elastin và acid hyaluronic ở lớp trung bì. Quá trình lão hóa tự nhiên này lại càng nghiêm trọng và nhanh chóng hơn khi cơ thể thường xuyên phơi nhiễm với các nhân tố gây lão hóa ngoại sinh như hút thuốc lá, stress, môi trường nhiều khói bụi, ô nhiễm, tia tử ngoại… làm xuất hiện ngày càng nhiều những nếp nhăn, làn da chùng nhão và mất đi sự căng tròn, đầy đặn vốn có. Lúc này, chất làm đầy được lựa chọn như một cứu cánh tức thời để khắc phục những sự thiếu hụt thể tích do những thất thoát của các thành phần quan trọng ở trung bì.
Tiêm chất làm đầy thường được sử dụng trong thẩm mỹ.
Quy trình tiêm chất làm đầy thường được thực hiện để khắc phục những nếp nhăn tĩnh của da lão hóa, đặc biệt là những nếp nhăn ở 2/3 dưới của khuôn mặt như rãnh má mũi hay nếp gấp miệng cằm (rãnh marrionette). Các chất làm đầy còn được sử dụng cho mục đích độn mô hay tạo đường nét cho khuôn mặt như làm đầy má hóp, làm đầy môi hay nâng gò má. Khi được đưa vào làn da, có thể là ở trung bì hay những vị trí sâu hơn, chất làm đầy sẽ thay thế những thể tích bị thiếu hụt do bẩm sinh hay do quá trình lão hóa. Đồng thời, một số chất làm đầy còn đóng vai trò là chất kích thích sinh học, giúp hoạt hóa và thúc đẩy nguyên bào sợi tăng cường hoạt động sản sinh collagen và elastin cho làn da. Ngoài ra, với xu hướng làm đẹp tạo khuôn mặt V-line như các ca sĩ hay diễn viên Hàn Quốc, chất làm đầy còn được sử dụng để tiêm cằm, hay được ưa chuộng hơn nữa là nâng mũi tạo dáng S-line bằng chất làm đầy.
Các chất làm đầy có thể được phân loại thành 3 nhóm cơ bản dựa trên thời gian tác dụng như: Tạm thời (dưới 1 năm, như collagen hay acid hyaluronic), bán vĩnh viễn (từ 1 – 2 năm, như calcium hydroxyl apatite hay acid poly-L-lactic) và vĩnh viễn (nhiều hơn 2 năm, như polymethyl methacrylate).
Lưu ý khi làm đẹp bằng chất làm đầy
Về bản chất hóa học, các chất làm đầy kể trên là những chất có độ tinh khiết và an toàn cao, không gây độc và không chứa độc tố, có tính tương thích cao với cơ thể người. Nhưng về mặt cơ học, do khả năng tồn tại khá lâu dài trong cơ thể, nên nếu tiêm chất làm đầy không đúng cách hoặc được thực hiện bởi những người không đủ trình độ chuyên môn và tay nghề, chất làm đầy có thể gây tắc nghẽn mạch máu, khiến vùng da không được tưới máu nuôi dưỡng có thể bị hoại tử, hoặc tai biến có thể nghiêm trọng hơn như mù mắt hay mất/giảm thị lực vĩnh viễn, chưa kể đến những rủi ro về viêm nhiễm trùng nếu môi trường thực hiện thủ thuật không đảm bảo vệ sinh vô khuẩn. Mặc dù những rủi ro trên xuất hiện với tỉ lệ khá thấp, khoảng 0,6 phần ngàn (tức 10.000 ca sẽ có khoảng 6 ca rủi ro) nhưng tỉ lệ này tại Việt Nam đang có xu hướng tăng cao hơn do ngày càng có nhiều người thực hiện tiêm chất làm đầy không được đào tạo bài bản, mà chỉ là học qua những kinh nghiệm truyền miệng hay chỉ đơn giản là thực hiện một cách tự phát thông qua các clip trên mạng internet. Chính vì vậy, việc tiêm chất làm đầy cần được cân nhắc kỹ lưỡng và thực hiện bởi những bác sĩ có đầy đủ trình độ chuyên môn và tay nghề tại một cơ sở đảm bảo vệ sinh an toàn.
Hiện nay tại Việt Nam, chất làm đầy đang được sử dụng khá phổ biến là acid hyaluronic. Đây mà một glycosaminoglycan tự nhiên của cơ thể người, có ở lớp trung bì đóng vai trò tạo cấu trúc, giữ nước và tạo sự đầy đặn cho làn da. Chất làm đầy có bản chất là hyaluronic acid trên thị trường có rất nhiều loại với nhiều thương hiệu khác nhau. Các sản phẩm cũng khác nhau về công thức, nồng độ hay mức độ liên kết chéo, từ đó dẫn đến sự khác nhau về thời gian tồn tại trong cơ thể cũng như mức độ sưng nề nhẹ sau tiêm. Chính vì những sự khác biệt này giữa các sản phẩm chất làm đầy có bản chất là hyaluronic acid mà các bác sĩ sẽ lựa chọn loại chất làm đầy có độ cứng phù hợp cho từng vùng tiêm (loại cứng cho những vùng cần tạo hình cố định, và loại mềm hơn cho những vùng cử động nhiều hay những vùng da mỏng). Điều này hết sức quan trọng để tạo nên một sản phẩm đẹp hài hòa và tự nhiên sau khi tiêm. Độ sâu khi tiêm chất làm đầy cũng tùy thuộc vào vị trí và mục đích thẩm mỹ, đồng thời cũng quyết định sản phẩm cuối cùng sau khi tiêm có mượt mà hay u sần vón cục.
Hoại tử mũi nếu tiêm chất làm đầy kém chất lượng.
Giá thị trường hiện nay khi tiêm chất làm đầy hyaluronic acid có thể dao động từ 5 triệu đến hơn 10 triệu cho 1cc, tùy thuộc thương hiệu và xuất xứ sản phẩm. Chất làm đầy an toàn là loại được đóng gói trong từng xylanh 1 – 2 cc riêng lẻ, dùng xong rồi vứt đi. Không nên sử dụng loại đóng gói to, mỗi lần dùng rút ra 1 ít vì dễ có nguy cơ nhiễm trùng.
Ai không được tiêm chất làm đầy?
Một số chống chỉ định cho việc tiêm chất làm đầy có thể kể đến như: Phụ nữ mang thai, cho con bú; vùng tiêm đang bị nhiễm khuẩn; sự hình thành sẹo lồi hay sẹo phì đại; rối loạn đông máu – chảy máu; có sử dụng isotretinoine trong vòng 06 tháng; teo da (do yêu cầu sử dụng steroid mạn tính, các hội chứng di truyền); rối loạn hồi phục vết thương; viêm da tại vùng tiêm; mẫn cảm với thành phần chất làm đầy; bệnh nhân có kỳ vọng không thực tế về phương pháp.
Sau khi tiêm, có thể gặp một số biểu hiện như sưng nhẹ, đỏ nhẹ, có thể có vết bầm là những biểu hiện bình thường và thường sẽ tự biến mất sau vài giờ hay vài ngày. Nếu có dấu hiệu xanh tím hay trắng bệch vùng da trên diện rộng, đau nhức dữ dội hay mất cảm giác hoàn toàn, hoặc có dấu hiệu viêm nhiễm, chảy dịch vùng tiêm, cần lập tức liên hệ ngay với bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Hướng tới cái đẹp luôn là xu hướng của thời đại. Tuy nhiên, làm đẹp là “con dao hai lưỡi”. Tai biến trong các phương pháp làm đẹp luôn có thể xảy ra. Vậy nên, trước khi các bạn muốn làm đẹp bằng chất làm đầy hãy tìm hiểu kỹ và thận trọng tối đa.
DS. Phạm Minh Hữu Tiến