Dưới đây là 10 bài tập thể dục buổi sáng áp dụng theo phương pháp của bài tập Yoga sẽ giúp bạn đánh thức và giúp cơ thể có thêm sự năng động cho cả ngày.
Kỳ 1: 5 bài
Lưu ý là nên ra chỗ rộng rãi, thoáng mát để luyện tập hoặc nếu tập ở nhà thì trước khi bắt đầu, bạn hãy mở cửa sổ để không khí và ánh nắng buổi sáng ùa vào phòng, điều này sẽ giúp bạn tránh các chấn thương hay đau mỏi và hít thở dễ dàng hơn khi tập luyện.
Bài 1: Xoay người
Mục đích: Thư giãn cánh tay và vai.
Cách thực hiện: Tưởng tượng cơ thể của bạn là một chiếc cột trụ và mỗi cánh tay là một chiếc dây với một đầu được buộc chặt vào phía trên. Nếu ai đó xoay chiếc cột thì dây sẽ đung đưa từ bên này sang bên kia. Bạn cũng sẽ làm tương tự như vậy. Đứng thẳng, hai chân mở rộng bằng vai, thả lỏng hai tay hoàn toàn và bắt đầu xoay người xung quanh trục tưởng tượng thẳng với cột sống. Dần dần hãy tăng tốc độ xoay, đồng thời luôn nhớ hai điều là đứng thẳng người và không di chuyển vị trí.
Thời gian: Bạn có thể thực hiện bài tập này cho đến khi cảm thấy thoải mái nhưng hãy chắc chắn là luôn đếm số nhịp thở nhé (hít vào – thở ra), chẳng hạn bạn có thể áp dụng 6 nhịp (3 – 3), 12 nhịp (6 – 6), 18 nhịp (9 – 9)…
Bài 2: Giữ thăng bằng
Mục đích: Rèn luyện sự nhanh nhẹn, cân bằng, phối hợp và cải thiện quá trình lưu thông máu ở chân.
Cách thực hiện: Đứng bằng chân phải, nâng chân trái lên sao cho đùi song song với mặt đất (hoặc cao hơn đều được). Tay trái giơ lên nhưng không cần để thẳng, tay phải hạ xuống. Bàn tay xòe ra và thư giãn như thể bạn đang cầm hai quả bóng. Sau đó, nhắm mắt lại và cố gắng giữ cân bằng. Lặp lại bài tập này từ 3 đến 5 lần và có thể đổi chân.
Thời gian: Bạn có thể thực hiện bài tập này cho đến khi nào cảm thấy thoải mái nhưng tối thiểu là 10 giây.
Bài 3: Cuộn người
Mục đích: Rèn luyện xương sống, cải thiện máu lưu thông qua tủy sống, giảm căng thẳng.
Cách thực hiện: Ngồi xuống sàn nhà, giơ hai chân lên về phía trước, hai tay chạm vào chân và cố gắng không để đầu chạm xuống đất. Lúc này, toàn bộ trọng lượng cơ thể dồn vào lưng và bạn cần chú ý duy trì nhịp thở đều đặn.
Thời gian: Tối thiểu 12 lần.
Bài 4: Lắc lư
Mục đích: Thư giãn cột sống, đặc biệt là phần xương vai. Bài tập này nên được kết hợp với bài tập cuộn.
Cách thực hiện: Nằm xuống, tay phải ôm vai trái và tay trái ôm vai phải. Sau đó, đều đặn nâng phần thân trên và hạ xuống sao cho đầu không chạm xuống đất.
Thời gian: Tối thiểu 12 lần.
Bài 5: Duỗi thẳng người
Mục đích: Thả lỏng cơ thể và thư giãn, nên được kết hợp với bài tập lắc lư và cuộn.
Cách thực hiện: Nằm xuống, hai tay duỗi thẳng qua đầu và hai bàn tay đan chéo vào nhau. Chân thẳng, khép lại và mũi bàn chân không xòe ra hai bên hay dựng đứng.
Thời gian: Bạn có thể thực hiện bài tập này cho đến khi cảm thấy thực sự thoải mái.
An Ngọc Hoa
((Mời đón đọc tiếp kỳ sau trên SK&ĐS số 185))