Nguyễn Văn Thuần (thuannguyen@gmail.com)
Sỏi thận là nguyên nhân hàng đầu gây ứ nước bể thận. Khi sỏi di chuyển xuống niệu quản nếu hòn sỏi to, không nhẵn sẽ gây đau (gọi cơn đau quặn thận). Hơn nữa khi nó di chuyển đến đoạn niệu quản nhỏ (đoạn đổ vào bàng quang) có khi bị tắc nghẽn tại đó, làm cho nước tiểu ứ lại trên chỗ tắc; trong khi thận vẫn tiếp tục lọc ra nước tiểu mà niệu quản bị tắc, không xuống được bàng quang nên thận bị ứ nước, giãn to. Nếu sỏi đã xuống đoạn dưới niệu quản thì siêu âm ở thận sẽ không thấy sỏi. Ngoài ra có nhiều bệnh là nguyên nhân gây ứ nước ở thận chứ không phải chỉ là sỏi. Chẳng hạn: cổ bàng quang co thắt bất thường cũng gây tắc nghẽn lối nước tiểu từ bàng quang ra niệu đạo, kết quả là nước tiểu ứ lại từ bàng quang, làm thận bị ứ nước; niệu đạo hẹp do bị viêm nhiễm; các khối u từ bên ngoài chèn ép niệu quản và ngăn chặn dòng chảy của nước tiểu. Về điều trị: Tùy nguyên nhân mà điều trị nội khoa hay can thiệp ngoại khoa. Nếu ứ nước độ nặng, kéo dài, không được xử trí thì xảy ra thận ứ nước mạn tính làm các đơn vị thận bị hủy hoại dần, mức lọc cầu thận giảm đi và cuối cùng đưa đến suy thận mạn tính, viêm cầu thận… Trường hợp của em nếu không có cơn đau quặn thận thì có thể loại trừ nguyên nhân do sỏi. Tuy nhiên em cần làm thêm xét nghiệm nước tiểu, chụp đường tiết niệu có bơm thuốc cản quang hoặc có thể phải chụp cộng hưởng từ vùng tiểu khung xem có khối u chèn ép đường tiểu để xử lý sớm, tránh biến chứng.
BS. Vũ Hồng Ngọc